2023 – một năm nhìn lại

11 04 2024

Năm 2023 là một năm có nhiều sự thay đổi lớn với mình và gia đình mình.

Việc đầu tiên là quyết định chuyển nhà từ thủ đô Canberra về một thị trấn nông thôn nhỏ bé Wellington. Lý do và cảm xúc mình đã viết trong một bài blog năm ngoái rồi. Tạm biệt Canberra thân yêu – ít nhất mình vẫn làm việc cho trường Đại học quốc gia ở Canberra nên thi thoảng mình vẫn về Canberra.

Từ khi chuyển về Wellington thì cũng là lúc mình bắt đầu làm việc ở nhà 100%. Mình cũng phải mất một thời gian thích nghi và tìm cách làm việc với các đồng nghiệp ở Canberra. Việc này cũng cần một chút sáng tạo về cả sắp xếp công việc và việc nhà vì mình hầu hết chỉ ở nhà. Hàng ngày mình cố gắng đi bộ cùng bọn trẻ con đến trường và đi bộ đến đón chúng nó – vừa là đi tập thể dục, vừa là chuyện trò trên đường về mặc dù đoạn đường đến trường chỉ khoảng 700m.

Chuyển về nhà mới là mình cũng bắt tay vào việc trồng cây và trồng rau. Phía sau nhà mình có một khoảng đất trống rất nhiều nắng, ngay cả trong mùa đông nên mình muốn thử nghiệm trồng một số cây khi khí hậu lạnh xem thế nào (nói chung không ăn thua vì đất lạnh nên rễ cũng không phát triển tốt được). Khi mùa xuân sang là mình hào hứng mua đất, mua giống rồi trồng các loại cây khác nhau. Mình cũng dần dần hiểu được sự khắc nghiệt của thời tiết ở Wellington – quá nắng và quá khô. Chưa bao giờ mình phải quan tâm đến việc tưới cây và che chắn cây như ở đây. Nắng quá gay gắt và rát làm bỏng nhiều cây!

Tranh thủ vườn đất rộng nên mình bắt đầu một sở thích mà mình đã ấp ủ mấy năm nay: nuôi ong lấy mật. Mình rất may là đã gặp được một bác hưu trí đã nuôi ong nhiều năm nay và bác rất tận tình chỉ bảo mình trong việc nuôi ong. Mình gọi bác là thầy của mình vì có bất cứ vấn đề gì là mình sẽ gọi điện hỏi bác hoặc bác sẽ sang tận nhà kiểm tra hộ mình. Thật là quá may mắn khi có sư phụ chỉ bảo tận tình như vậy! Mình mới nuôi ong từ tháng 11 năm ngoái mà chỉ 3 tháng sau là đã thu hoạch được 25kg mật ong. Quá ấn tượng với khả năng tìm phấn hoa và mật, cũng như tinh thần làm việc hết sức cần mẫn của đàn ong. Từ khi nuôi ong mình cũng quan sát và học hỏi được rất nhiều từ ong và thế giới ong kỳ diệu!

Năm 2023 cũng đánh dấu sự sum họp của gia đình mình ở Úc. Bố mẹ mình, bác Tiến bác Tuân, con trai hai bác và gia đình Việt sang Úc chơi và thăm nhà mới của mình. Nước Úc rộng lớn mà Bắp còn bé nên cũng không đi chơi được xa. Tuy vậy chuyến đi, đặc biệt thời gian 3 tháng bố mẹ ở nhà mình kết thúc rất tốt đẹp.

Năm 2023 cũng là năm nhà mình mua chiếc ô tô điện đầu tiên. Từ hơn 10 năm nay mình đã đi xe hybrid nửa xăng nửa điện rồi nhưng khi chuyển hẳn sang điện thì vẫn rất lạ lẫm và thích thú. Mình thích sự gọn nhẹ, ít tiếng ồn và ít thải khói ra môi trường. Tất nhiên Úc vẫn chưa nhiều xe ô tô điện và chưa có nhiều trạm sạc nên mỗi lần đi đường xa khoảng 380km là mình phải cẩn thận tính toán chỗ nghỉ để sạc.

Năm 2023 cũng ghi nhận nỗ lực làm việc, sự hiệu quả và tính sáng tạo của mình trong công việc bằng giải thưởng All-rounder – toàn bộ bộ phận mình làm chỉ có 2 giải này. All-rounder nói nôm na là tốt toàn diện trong công việc, không phải một lĩnh vực cụ thể nào. Mình rất bất ngờ khi thầy hiệu phó gọi tên mình và đọc lý do mình được giải ở lễ trao giải, đặc biệt khi mình chỉ làm việc online. Rất tiếc là mình chỉ dự qua màn hình vì không biết trước và ở quá xa Canberra.

Và cũng như mọi năm, đọc chuyện vẫn là hoạt động giải trí yêu thích nhất của mình. Từ khi chuyển xuống Wellington, mình phát hiện ra thư viện sách nói vô cùng ấn tượng với nhiều đầu sách, nhiều hơn hẳn thư viện ở Canberra. Chris giải thích với mình là chính phủ Úc đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và cơ sở vật chất cho nông thôn để những người dân sống ở đó không bị thiệt thòi. Và với phát hiện này, mình đã nghe rất nhiều sách và truyện nói (audio books). Mình quá mê vì người đọc chuyên nghiệp, thường biết cách thay đổi giọng cho phù hợp với nhân vật. Mình có thể nghe khi lái xe, khi nấu cơm, khi làm vườn, mọi lúc mọi nơi – vô cùng tiện lợi.

Tạm biệt năm 2023 với nhiều thay đổi và cũng nhiều điều thú vị. Cuộc sống đúng là có nhiều điều “người tính không bằng trời tính” nên nhiều khi phải thuận ý trời thôi 🙂

Kiểm tra frame. Trong mỗi hộp có 8 frames
Thu hoạch mật. Cắt lớp sáp ngoài để mật chảy ra
Cho vào máy quay – spinner để lấy mật
Lọc mật qua 2 lớp lọc để loại bỏ sáp ong dính vào trong quá trình lấy mật
Đàn ong tách tổ do có quá nhiều mật nên không còn chỗ
Alan đến giúp mình bắt đàn ong này
Thu hoạch đàn ong này để tạo ra một tổ mới
Hảo su cù, lung lẳng trẻo
Nông phẩm
Bà chơi Uno với 3 chị em
Ông ngồi trên thuyền ở Newcastle với 3 chị em
Đi cưỡi lạc đà
Đi biển ở Newcastle
Ăn tối ở nhà nghỉ ở Newcastle
Đi vườn thú ở Dubbo
Đi vườn thú ở Dubbo

Giải thưởng công việc cho năm 2023 của mình




Lớn lên ở nông thôn – p1 – captain Annabel

22 03 2024

Từ khi nhà mình chuyển đến sống ở thị trấn nông thôn Wellington, các con đã có trải nghiệm môi trường sống mới, trường học mới và những người bạn mới. Có rất nhiều thứ lạ lẫm nhưng cũng có nhiều thứ thú vị.

Ví dụ như việc Annabel trở thành thủ lĩnh (captain) của trường năm nay – là năm cuối cấp 1 của Beo. Năm ngoái cả trường đã tổ chức một cuộc bầu cử cho thủ lĩnh mới, Beo đã viết và đọc trước toàn trường bài phát biểu của mình. Sau khi kiểm phiếu, Beo đã đủ số phiếu để được chọn là thủ lĩnh nữ của trường (một bạn khác là thủ lĩnh nam).

Một trong những hoạt động của thủ lĩnh là được lên Sydney dự hội thảo về khả năng lãnh đạo (leadership conference) – việc mà Beo vô cùng háo hức. Đầu tháng 3, nhà trường gọi điện cho bố mẹ thông báo về chuyến đi và nói rằng cô giáo chủ nhiệm của Beo sẽ đưa Beo và bạn thủ lĩnh nam (tên là Artie) lên Sydney. 4.45am sáng ngày hội thảo, khi trời vẫn tối đen như mực, cô giáo chủ nhiệm đến nhà đón Beo đi lên sân bay cách nhà 50km ở tỉnh bên cạnh (Dubbo) để kịp chuyến bay và kịp bắt đầu hội thảo lúc 9h. Cả ngày cô chăm sóc hai bạn vô cùng chu đáo: đưa hai bạn đi ăn trưa, đưa Beo đi mua đồ uống ở Starbucks, đưa Beo đi vườn cây Nhật Bản rồi chụp ảnh cập nhật cho bố mẹ. Kết thúc hội thảo cô lại đưa hai bạn ra sân bay Sydney, đưa đi mua đồ ăn tối rồi chở từng bạn về nhà. Thật là quá tuyệt vời khi trường và cô giáo chủ nhiệm tạo cơ hội cho Beo được giao lưu học hỏi như thế này.

Trước khi đi và trong toàn bộ chuyến đi Beo vô cùng háo hức. Beo tìm hiểu về chương trình hội thảo và tò mò muốn biết ai sẽ là những người đến nói chuyện. Beo cũng tìm hiểu bản đồ Sydney trước khi đi để xem vị trí trung tâm hội nghị quốc gia Sydney ở đâu và có cửa hàng Starbucks gần đó không hihi. Hội nghị quy tụ hàng nghìn học sinh cấp một của các trường học ở bang New South Wales – rất nhiều bạn cũng phải lặn lội đường xá xa xôi như Beo để đến tham dự.

Đây là lần đầu tiên Beo đi máy bay mà không có bố hoặc mẹ đi cùng. Một chuyến đi độc lập khỏi bố mẹ và với tư cách đại diện trường học của mình. Thế nhưng Beo không có một chút lo lắng hay sợ sệt gì mà chỉ là háo hức và vui vẻ.

Beo sinh sống ở nông thôn mà có được những cơ hội như thế này thật quả là quá may mắn. Qua đây mới thấy nước Úc rất cố gắng tạo điều kiện cho trẻ em nông thôn và rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành phố. Hy vọng Beo biết cách tận dụng những cơ hội như thế này để tiếp tục phát triển những thế mạnh của bản thân và biết ơn những thầy cô, bạn bè và những người thân đã luôn bên cạnh ủng hộ mình.

Lên đường đi Sydney
Hai bạn đều sẵn sàng
Hai chiếc vé máy bay làm kỷ niệm và ghi lại ngày tháng
Ở hội thảo
Ở hội trường
Nghỉ ngơi ă kem
Nhà hát opera Sydney
Cầu cảng Sydney
Japanese garden




Giáng sinh – Christmas 2023

10 02 2024

Cứ như thường niên, cứ đến dịp Noel là ba chị em lại vô cùng háo hức vì sẽ nhận được quà từ mọi người và ông già Noel. Lily lớn hơn thì bắt đầu không tin vào ông già Noel nhưng Beo và Macey thì không một chút nghi ngờ! Cả ba chị em đều viết thư cho ông già Noel. Lily thì viết theo kiểu hướng tới người đọc là “bố mẹ”. Macey thì chỉ xin một món quà và xin ông già Noel cho cả nhà bình yên. Beo thì thôi rồi – thư không có đầu có cuối, chỉ toàn là các gạch đầu dòng các món quà Beo yêu cầu, mà danh sách thì rõ dài. Bó tay với Beo! Tất nhiên là ông già Noel chỉ tặng mấy chị em một món quà thôi – hàng năm vẫn thế.

Cũng như mọi năm, bác David là một trong những người tặng nhiều quà nhất. Năm nay thì có sếp cũ của mẹ là bà Eva tặng ba chị em vô cùng nhiều quà – năm nào bà ấy cũng tặng nhưng riêng năm nay thì nhiều hơn hẳn. Rồi ông bà hàng xóm, bà Viv, bà nội, bố mẹ cũng tặng quà. Nói chung là ngập quà.

Và một hoạt động không thể thiếu trong ngày Noel là mẹ chụp ảnh ba chị em, để thấy sự thay đổi mỗi năm của ba chị em. Năm nay mẹ rút kinh nghiệm, chụp thật nhanh mấy kiểu để ba chị em không đủ thời gian cãi nhau đứng ở đâu, đứng thế nào, v..v.

Lại một năm nữa trôi qua. Mẹ đã già và các con đang dần lớn khôn.

Annabel-Macey-Lily – Christmas 2023
Chụp cả chiều cao
Từ thấp đến cao
Thêm cả Daddy vào đội hình
Vừa ngủ dậy phải chạy ngay ra xem quà
Mở quà của ông già Noel trước
Lily và con chó Biscuit của Lily
Bữa ăn trưa giáng sinh
Mở quà. Khăn trải bàn Eva tặng để có thể tô màu lên được luôn
Làm slime từ quà của ông già Noel
Bốn bà cháu đi nhà thờ ở đêm trước Giáng Sinh
Thêm bác David
Thư Macey viết cho ông già Noel
Thư Beo viết cho ông già Noel




Chúc mừng sinh nhật Annabel 11 tuổi

26 12 2023

Bạn Beo thối ngày nào bây giờ đã tròn 11 tuổi! Mỗi năm Beo đã học được rất nhiều và đã dần lớn khôn hơn.

Năm nay là một năm có nhiều thay đổi lớn với Beo, đặc biệt là việc chuyển sang một nơi ở mới và một ngôi trường mới giữa năm học. Chưa nói đến thành tích cụ thể nào nhưng riêng việc Beo hòa nhập tốt vào môi trường mới và tìm được bạn mới là mẹ đã rất vui và tự hào rồi. Mặc dù vậy, mẹ không quá ngạc nhiên vì Beo vốn sẵn tính sôi nổi, tích cực và hòa đồng.

Cũng may là vào trường St Mary’s Beo vẫn thích học, mặc dù thỉnh thoảng kêu dễ. Chính vì thế cô giáo cho Beo lên học cùng các anh chị lớp 6 một số môn mặc dù Beo mới đang học lớp 5. Beo dần dần thể hiện được học lực của mình nên được cử đi đại diện trường trong nhiều cuộc thi liên tỉnh như thi đánh vần (spelling bee), thi vẽ tranh, thi chạy, thi bóng bầu dục (touch football). Beo cũng được cử đi học kỹ năng viết chuyện.

Nhưng có lẽ điểm nhấn của năm nay là việc Beo được trải nghiệm quá trình chọn thủ lĩnh (captain) của trường. Vòng đầu tiên Beo được bầu vào nhóm 4 bạn nữ để đứng ra tranh cử. Bốn bạn này sau đó phải chuẩn bị một bài phát biểu không quá 2 phút và đứng lên đọc trước trường để các bạn bỏ phiếu cho mình. Beo đã tự viết trên máy tính, in ra, luyện tập và tham khảo ý kiến của mọi người trong nhà. Beo cũng được một cô bạn của gia đình khuyên nên cho một ý tưởng hài hước để các bạn cười và nhớ đến bài phát biểu của mình. Beo cũng đọc cho ông bà nghe và nhờ ông bà tính giờ để không quá 2 phút. Hôm Beo đứng phát biểu trước trường Beo đã thể hiện được khả năng thuyết trình trước đám đông, vừa đọc vừa ngước nhìn xung quanh, vừa đưa ra một joke và mọi người đều cười, và tất cả gói gọn trong 1phút 45 giây (một số bạn phát biểu vượt quá 2 phút quy định). Phải nói Beo thể hiện bản lĩnh của mình rất tốt vì về sau Beo có nói với mẹ là Beo rất run. Dù bất kể kết quả thế nào thì mẹ vẫn ghi nhận nỗ lực của Beo và tự hào về điều đó. Ông bà cũng chứng kiến mấy ngày Beo luyện tập để trau chuốt bài phát biểu và cũng đến nghe trực tiếp Beo và các bạn phát biểu. Ông bà cũng tự hào về Beo. Mẹ thấy đây cũng là một trải nghiệm tuyệt vời cho Beo cũng như các bạn trong trường để hiểu được quá trình bầu cử dân chủ là thế nào.

Cuối cùng sau vài ngày chờ đợi thì nhà trường cũng thông báo kết quả. Cô hiệu trưởng gọi điện thoại thông báo cho mẹ và sau đó vài phút thì cô thông báo trước toàn trường và Beo phải phát biểu mà không có sự chuẩn bị. Các cô nói với mẹ là bài phát biểu của Beo rất ấn tượng và  “graceful” – tức là biết mình đã thắng cuộc tranh cử nhưng vẫn không quên cảm xúc của các bạn thua cuộc. Beo gửi lời cảm ơn đến những người bỏ phiếu cho mình và chúc mừng sự dũng cảm của những bạn không thắng cuộc. Beo cũng nói còn nhiều cơ hội và các hoạt động khác mà các bạn có thể tham gia và Beo sẽ cần sự ủng hộ của các bạn để hoàn thành nhiệm vụ captain của mình. Thật là những lời nói sâu sắc đến từ một cô gái 11 tuổi – đặc biệt là không có sự chuẩn bị trước!

Rồi đến cuối năm học Beo lại nhận được giải học giỏi nhất lớp – Academic Excellece Award. Ông bà cũng đến chứng kiến – mặc dù không ai trong nhà biết trước là Beo được giải.

Thật đặc biệt và may mắn khi có ông bà bên cạnh và chứng kiến tất cả những sự kiện ở trường cũng như sinh nhật Beo năm nay. Beo cũng thỉnh thoảng đi câu với ông và còn được ông bà tặng cho 2 con vẹt rất đẹp (sau khi con chim nở trong tổ nhà mình Beo đem vào nuôi bị chết).

Beo càng ngày càng bộc lộ rõ tính cách nhanh nhẹn, tính tổ chức và sắp xếp công việc tốt cũng như việc dậy sớm hàng ngày trước khi đi học. Beo cũng là người rất thẳng tính – khen chê rõ ràng, chỉ mỗi tội hơi nhăn nhó mỗi khi không thích cái gì hihi.

Chúc mừng sinh nhật cô gái 11 tuổi nhỏ nhắn nhưng vô cùng mạnh mẽ 🙂

Các bạn đến sleepover sinh nhật Beo
Quà bác David tặng Beo
Thổi nến
Con chó Luna hát sinh nhật Beo
Bốn bà cháu
Ông tặng quà sinh nhật cho Beo
Ông bà và ba chị em
Bánh sinh nhật Beo mẹ làm cho Beo
Hai ông cháu đi câu ở sông gần nhà
Beo đọc bài phát biểu tranh cử của mình
Chụp ảnh cùng ông bà, cô chủ nhiệm và cô hiệu trưởng sau bài phát biểu
Beo và cô chủ nhiệm
Beo và cô hiệu trưởng

Beo đứng lên phát biểu lúc biết kết quả thắng cuộc




Gia đình sang Úc thăm nhà mình

15 11 2023

Cuối cùng thì đại gia đình mình cũng sắp xếp được một chuyến sang Úc thăm nhà mình. Cả nhà bác Tiến-Tuân, bố mẹ mình và gia đình Việt. Thật là một cơ hội hiếm hoi!

Cả nhà mình lên Sydney đón mọi người và đi ăn ở một nhà hàng Ý mà nhà mình rất thích. Sau đó mình và Chris xin nghỉ một tuần để đưa mọi người đi chơi. Cả đoàn đi cắm trại hai đêm ở Ophir – không có điện và phải dùng nước ở dòng sông, không có sóng điện thoại hay internet. Buổi đêm mọi người ngủ kêu lạnh. Nhưng là một trải nghiệm để quay lại cuộc sống hoang sơ, để cảm nhận sự bình yên và vẻ đẹp của thiên nhiên. Thỉnh thoảng tách rời các thiết bị điện tử để hòa mình vào thiên nhiên cũng có cái hay.

Mọi người cũng đi tranh thủ đi chơi ở Orange – một thị trấn gần Ophir và rất đẹp. Khi về nhà mình ở Wellington thì mọi người cùng nhau đi câu cá ở một con sông gần nhà. Ông Tuân và Beo đều câu được cá đem về.

Sau đó mình lái xe đưa vợ chồng Việt về Canberra chơi mấy hôm. Rồi cả nhà đi vườn thú ở Dubbo – vườn thú duy nhất ở nước Úc được lái xe vào trong vườn thú vì nó rất rộng.

Thời gian ở Wellington các bạn nhỏ nhà mình rất thích chơi với em Bắp. Em Bắp là trung tâm của cả nhà, ai cũng yêu quý và chiều chuộng. Em Bắp cũng thích nghi nhanh với cuộc sống ở Úc – lúc nào cũng trò chuyện líu lo và cười tươi.

Sau hai tuần mọi người quay về thì chỉ còn lại bố mẹ mình ở lại thêm hai tháng rưỡi nữa. Nhà mình thật may mắn khi có ông bà ở lại đỡ đần nhiều việc – bà đi chợ, nấu nưỡng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa; ông tưới cây hai lần, cắt tỉa cây, phụ trách con robot hút bụi. Ông bà cũng được chứng kiến một số sự kiện của các cháu như sinh nhật Lily, vở kịch của trường ba chị em, bài phát biểu làm thủ lĩnh của Beo. Nhưng quan trọng nhất là sự gắn kết tình cảm của các cháu với ông bà và ngược lại. Có thể chỉ là những câu chuyện nhỏ, những câu nói hài hước, những trò chơi, v.v.. nhưng đó là những khoảng khắc đáng quý. Chỉ là những bữa ăn cùng nhau, đi chơi ở các thị trấn bên cạnh hay đi xem buổi biểu diễn ảo thuật – nhưng đó là những kỷ niệm quý giá. Chỉ còn bốn tuần nữa là ông bà về – có cách nào kéo dãn thời gian ra được không?

Đón nhà bác Tiến Tuân ở sân bay
Cả nhà chụp trước cửa khách sạn ở Sydney
Chris thuê một chiếc xe 14 chỗ để chở cả đoàn đi chơi
Nhà hàng Ý ở Sydney

Con sông ở chỗ cắm trại ở Ophir

Lửa trại ở Ophir

Bà Thu và bà Tiến ở nấu nướng ở chỗ cắm trại

Ngồi thư giãn ở chỗ cắm trại

Đi chơi ở Orange

Chuẩn bị cho lễ hội đa văn hóa Fong Lee Lane ở thị trấn mình ở

Sinh nhật Lily

Đi chơi ở vườn quốc gia The Drip

Buổi biểu diễn kịch của trường ba chị em. Bà nội và cô giáo dạy Toán của Lily.

Buổi phát biểu ứng cử thủ lĩnh của trường (school captain). Cô chủ nhiệm và cô hiệu trưởng (ngoài cùng)

Ông Tuân và Beo đi câu

Đi ăn ở nhà hàng Ấn Độ trước khi xem biểu diễn ảo thuật, đi ăn đồ nướng ở thị trấn Mudgee, đi ăn kem ở thị trấn Gulgong





Sinh nhật Lily 13 tuổi

14 10 2023

Thế là nhà mình chính thức có một teenager trong nhà! Chị cả Lily đã tròn 13 tuổi.

Một năm vừa rồi Lily đã phát triển khá nhiều về cả chiều cao và cân nặng: tăng 8cm chiều cao và 9kg cân nặng. Lily vốn đã gầy nhẳng từ trước nên khi lên 9kg trong một năm, Lily vẫn gầy hihi – nhưng chiều cao và cân nặng cân đối hơn.

Năm vừa rồi cũng đánh dấu sự phát triển của Lily về quan hệ xã hội, quan hệ bạn bè và dần hiểu được những khái niệm trừu tượng như phân biệt chủng tộc/tuổi tác (discrimination), sự chấp thuận trong mối quan hệ (consent) hay nhận xét người khác dựa theo khuôn mẫu, ví dụ như hình thức hay giới tính (stereotype). Nhưng qua những tình huống hàng ngày thì thấy Lily chưa hiểu mấy nên khá buồn cười hihi.

Ví dụ như có hôm mẹ nhắc Lily tắt lò sưởi cho đỡ tốn điện. Lily trả lời mẹ “I don’t consent” (con không chấp thuận). Mẹ bật cười vì thấy hoàn toàn không phù hợp hoàn cảnh thì Lily bảo “Mummy, don’t laugh. I learnt about consent at school so I understand it“. Daddy nghe thấy thế thì bảo “consent only applies when you are in a relationship”. Lily nghe thấy thế thì đáp lại ngay “yes, I’m in a relationship with you guys so if you make me cold, you ruin that relationship“. Xong hôm sau mẹ phải đưa ba chị em đi tiêm vaccine chống cúm, Lily lại bảo mẹ “I don’t consent because it’s my body“. Lần này thì có lý hơn một chút nhưng tất nhiên là mẹ vẫn bắt Lily đi tiêm rồi 🙂

Rồi có hôm mẹ nghe thấy Lily nói với Macey “Macey you need to organise your life better, you can’t be messy and wake up so late in the morning“. Mẹ nghe thấy thế thì bảo Lily là “Lily nên nhớ Macey mới 6 tuổi, Macey chưa làm được như thế”. Nghe thấy thế thì Lily đáp lại “Mummy, I don’t mean to be rude but that’s discrimination. You should expect Macey to do because you expect that from me. You can’t treat people differently because of their age. Would you treat each of your colleague differently because of their age difference?“. Wow, mẹ hoàn toàn bất ngờ trước lập luận của Lily. Công bằng mà nói thì lập luận đó cũng có chút logic là mình không nên phân biệt đối xử với mọi người dựa trên tuổi của họ. Ý Lily là nếu mẹ yêu cầu Lily phải tổ chức tốt cuộc sống và không bừa bộn thì mẹ cũng phải yêu cầu Macey như vậy, không nên có sự khác biệt trong đối xử. Tất nhiên Lily chưa hiểu được sự phát triển và nhận thức của một em bé 6 tuổi chỉ có hạn nên nếu kỳ vọng như một anh chị 13 tuổi thì chỉ có thất vọng thôi hihi.

Rồi một hôm trong bữa cơm mẹ bảo Beo “lớp học võ của Annabel có mấy bạn mà mẹ không thể phân biệt được là trai hay gái. Một bạn tóc xoăn dài thì là con trai và một bạn tóc tém ngắn lại là con gái”. Lily nói ngay “Mummy do you know that’s stereotyping?”. Ý Lily là mẹ không thể dựa vào kiểu tóc mà quy chụp một người là trai hay gái. Thực ra lần này Lily cũng có ý đúng!

Lily đang ở tuổi mà mọi thứ phải trắng-đen rõ ràng. Sai là sai mà đúng là đúng; ví dụ như không có chuyện là hai chị em cùng có cả điểm đúng điểm sai. Bố mẹ nhắc nhở gì là phải gân cổ lên cãi bằng được. Hiểu nhầm giọng điệu hay ý định của bố mẹ. Cãi nhau tay đôi với hai em. Thích chơi và nói chuyện với bạn bè hơn bố mẹ và các em. Thích quần áo giày dép phải đẹp và đặc biệt phải giống các bạn. Thực ra những điều này là sự phát triển thông thường của các bạn tuổi này. Tuổi teen là tuổi của khám phá bản thân, khám phá các mối quan hệ xung quanh và tìm hiểu những khái niệm trừu tượng rồi dần dần định hướng những giá trị riêng cho bản thân mình. Có quá nhiều thứ phải học và phải học trong một thời gian ngắn nên tuổi teen là tuổi của những hoang mang, lo lắng và rối rắm. Tuổi teen không dễ dàng cho bố mẹ và chính bản thân các bạn teen. Nhưng mẹ tin cả nhà mình sẽ cùng nhau đi trên chặng đường gian nan nhưng thú vị này của Lily – cũng như bố mẹ đã làm13 năm vừa qua.

Năm nay sinh nhật Lily mẹ làm tặng Lily một chiếc bánh vào đúng ngày sinh nhật của Lily. Lily thích lắm nên yêu cầu mẹ làm một cái bánh như vậy vào bữa tiệc với các bạn. Lily mời 5 bạn sang nhà bơi ở bể bơi ở nhà, ăn tối và ngủ qua đêm. Sinh nhật năm nay của Lily đặc biệt vì có ông bà ngoại ở đây. Ông bà cũng có dịp gặp các bạn của Lily và nghe con chó Luna hát :).

Cả nhà đều có dịp thể hiện sự ủng hộ và yêu thương với Lily – điều đó thật tuyệt vời!

Ông bà ngoại và các bạn
Các bạn ăn pizza
Các bạn chơi triangle domino
Bổ sung mẹ và con chó Biscuit
Lily thổi nến
Bà nội và ba chị em
Lily và con chó Biscuit của Lily – mẹ cố gắng làm một cái bánh giống Biscuit nhưng năng lực và thời gian có hạn hihi
Bánh con chó làm lần 1
Bánh con chó làm lần 2
Cô gái 13!




Sinh nhật tuổi 40 – học cách vấp ngã

14 08 2023

Mình đã bước qua tuổi 40 cuối tháng 7 nhưng bây giờ mới có thời gian viết mấy dòng.

Bước đến ngưỡng 40 có thể nói nôm na là đã đi được nửa chặng đường. Hầu hết mọi người ở tuổi này đều đã có những trải nghiệm nhất định về sự nghiệp, gia đình, con cái, sức khỏe, quan hệ bạn bè và xã hội. Cũng được nếm trải sự thành công, thất bại. Cũng được đời nếm nhiều mùi của đời.

Có những thứ phải cần có thời gian mới có thể học được, không thể nhảy cóc được, dù giỏi giang, nhanh nhẹn, thông minh đến mấy. Nhiều người trẻ, tầm ngoài 20 – thời điểm đang còn sung sức về thể lực và ý chí, cố gắng hết sức để đạt được những gì cá nhân, gia đình và xã hội mong đợi. Nhiều người, trong đó có mình, cũng chỉ đi theo công thức quen thuộc: học đại học, kiếm việc, ổn định công việc, lấy chồng/vợ rồi đẻ con, nuôi con, kiếm tiền nuôi con. Sau đó thì cũng muốn kiếm được nhiều tiền, có chút danh vọng, được xã hội công nhận, được bằng hoặc hơn bạn bè xung quanh, đặc biệt các bạn trên Facebook hihi. Rồi vì sức khỏe dẻo dai và chưa nếm đủ mùi thất bại nên không biết sợ, mọi việc cứ để đến sát nút mới làm. Làm bài tập, đi chỗ nọ chỗ kia, làm việc cơ quan, làm việc nhà – cứ để sát nút mới làm. Tất nhiên cuối cùng thì việc gì cũng xong nhưng mọi thứ luôn cập rập và căng thẳng, thỉnh thoảng bị hỏng một vài việc.

Sang đến những tuổi 30 thì bắt đầu làm các công việc phức tạp hơn, gặp gỡ tiếp xúc với nhiều loại người trong xã hội hơn, va chạm, thất bại nhiều hơn. Tuổi này sức khỏe vẫn còn rất tốt, ý chí vươn lên còn cao nhưng bắt đầu có sự cọ sát và suy ngẫm nhiều hơn. Thành công nhiều hơn mà thất bại cũng nhiều hơn. Và khi thất bại là lúc khiến mỗi người phải tự nhìn lại và rút ra cho mình những bài học. Những bài học đó có thể không có gì mới, có thể đã được nghe đọc qua sách báo hoặc bố mẹ/người thân đã cảnh báo trước. Nhưng khi chưa tự mình vấp ngã và tự mình trải nghiệm thì không ai có thể thấm thía được những bài học đó. Chính vì vậy mà có những thứ phải cần thời gian, cần sự trải nghiệm thì mới giúp mỗi cá nhân trưởng thành và mạnh mẽ hơn. Bố mẹ khi đã trải qua rồi, muốn truyền lại kinh nghiệm và bài học cho các con để các con rút kinh nghiệm nhưng trên thực tế điều này không có nhiều giá trị. Không ai có thể sống thay mình được. Chỉ khi tự mình trải qua mới hiểu được.

Đến ngưỡng tuổi cuối 30, gần 40 là tuổi đã bắt đầu tích lũy được tương đối kinh nghiệm sống, đã dần nhận ra được cái gì là quan trọng, đã nếm được kha khá mùi thất bại, đã chứng kiến thành công cũng như thất bại của những người xung quanh. Đã gặp phải những vấn đề về sức khỏe, quan hệ vợ/chồng, con cái, tiền bạc, sự nghiệp, gia đình, bạn bè. Đã biết giảm cái tôi xuống một tí, đã biết kiềm chế cảm xúc tốt hơn, đã bắt đầu biết nghĩ sâu hơn một chút. Đã bắt đầu biết cuộc sống không chỉ là trắng-đen rõ ràng mà còn nhiều sắc thái ở giữa.

Mỗi năm qua đi mình càng thấy mình học được nhiều điều và cũng thấy còn nhiều điều mình cần học. Quan điểm của mình về nhiều vấn đề đã không còn mạnh mẽ và quyết liệt như hồi trẻ. Ví dụ mình thấy không nhất thiết phải học giỏi vì không phải ai cũng có khả năng hoặc muốn học, có nhiều sự lựa chọn khác cũng đáng được tôn trọng. Không phải ai cũng phải chọn làm nghề văn phòng vì làm việc chân tay cũng rất đáng quý và cần thiết cho xã hội. Mình cũng không tìm những thứ hoành tráng hay to tát để ngưỡng mộ mà tìm thấy niềm vui và vẻ đẹp của cuộc sống từ những thứ rất nhỏ. Ví dụ như mình thích quan sát những hạt giống của mình nảy mầm hay những cành cây tưởng như cộc cằn ra những nụ non. Mình thích khám phá những món ăn đơn giản nhưng mới lạ và rất vui trước sự đón nhận của chồng con với những món đó. Mình thích đạp xe đi chợ, vừa là chút thể dục nhưng lại được nghe tiếng chim ríu rít gọi nhau.

Mình không trông chờ gì ở tuổi mới mà chỉ biết tiếp tục học cách đón nhận từng ngày của cuộc sống. Mỗi ngày là một sự tổng hợp của những thứ quen thuộc và những thứ bất ngờ. Làm sao ai biết cuộc sống đem lại những gì cho mình vào ngày mai? Cuộc sống của mỗi người như một bộ phim có nhiều tình tiết mà phải đến cuối cùng mới biết kết cục là gì.

Và có một thực tế rằng: cuộc sống là người thầy tốt nhất của mỗi người – life is the best teacher 🙂

Chris tổ chức một kỳ nghỉ cho mình ở thị trấn Mudgee bao gồm một gói mát-xa, tour đi thử rượu, ăn nhà hàng Nhật & Thái, đi thăm một thành phố cổ (Gulgong).

Thiệp sinh nhật Beo vẽ tặng mình.
Lời chúc bên trong – mục đích chủ yếu nhắc mẹ là mẹ đã rất già hihi

Khu vực trồng nho trước một nhà làm rượu
Xe bus chở đoàn đi thử rượu cùng nhau
Một cửa hàng rượu /winery




Đêm qua mơ thấy bà nội

8 07 2023

Đêm qua tự nhiên mình nằm mơ thấy bà nội của mình. Trong mơ, bà ngồi trước cửa một trung tâm thương mại, nơi mà văn phòng của mình cũng ở đó. Sáng nào đi làm mình cũng đi qua bà và nhìn thấy bà ngồi ở đấy. Đến ngày cuối tuần mình ra chỗ bà và bảo bà “bà ơi, nhà mình cũng có nhà cơ mà, sao bà phải ngồi ở đây? Bà về nhà với cháu đi!”. Bà nhìn mình rồi nói “không, bà không về với cháu được”. Đến đây thì mình bật khóc và cũng tỉnh dậy luôn. Thật là một giấc mơ kỳ lạ.

Cũng chẳng cần phải mơ thì mình mới nhớ đến bà. Mình thường xuyên nghĩ đến bà và càng ngày càng thấy mình cũng có nhiều điểm giống bà. Có thể cách tiếp cận vấn đề của mình khác bà nhưng về bản chất thì cả hai bà con đều là những người không hoang phí tiền bạc, vật chất, đồ ăn thức uống. Thế hệ của mình đã được cải thiện rất nhiều về mặt tiền bạc nhưng càng kiếm được tiền thì nhu cầu tiêu tiền cũng càng cao. Thế nên mình cũng cố gắng ý thức sự cân bằng giữa kiếm tiền và tiêu tiền, để không tạo thêm những áp lực không cần thiết.

Cũng giống bà, mình là người rất không thích phí phạm thức ăn, đổ thức ăn đi. Mình cố gắng hạn chế mua đồ ăn vừa đủ, tập trung vào chất lượng hơn là số lượng. Mỗi lần phải bỏ thức ăn đi là mình tiếc đứt ruột. Nhưng mình khác bà là mình có hiểu biết nhất định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ví dụ như không hâm nóng lại thức ăn quá một lần (chỉ hâm lại một lần duy nhất), không để đồ ăn trong ngăn đá quá 3 tháng, không rã đông bằng cách để ra ngoài nhiều tiếng đồng hồ (rã đông bằng cách để ngăm thường trong tủ lạnh hay vi sóng), không rã đông rồi lại cho vào ngăn đá.

Mình cũng giống bà là không muốn mua nhiều quần áo, giày dép, túi xách, v..v mặc dù có khả năng chi trả cho những thứ đó. Thứ nhất là nhà mình cũng không có nhiều chỗ để và thứ hai là mình cũng không quản lý và nhớ được nếu mình có quá nhiều đồ. Đây của là một trong những hạn chế của bộ nào của mình

Mình cũng giống bà ở sự chăm chỉ, cần cù. Giống bà ở sự trắng đen rõ ràng.

Có một kỷ niệm với bà mà mình mãi không quên. Đó là một đợt bà ở nhà mình trên Hà Nội, không nhớ thế nào mà hầu hết buổi trưa chỉ có hai bà cháu ăn cơm với nhau. Trưa nào mình đi học về bà cũng chờ mình, hỏi mình ăn gì để bà nấu, nấu xong thì bà đem vào khách cho mình ăn vì hồi đấy mình quá mê bộ phim dài tập “Năm 97 rồng đổi màu”. Bà rất chiều và hiểu mình – không yêu cầu ăn cùng bà hay ăn những món bà ăn. Việc này lặp đi lặp lại trong nhiều ngày và điều đó cứ làm mình nhớ mãi vì mình cảm thấy được nuông chiều, được ủng hộ, mặc dù chỉ là một sở thích rất linh tinh.

Bà để lại rất nhiều kỷ niệm cho mình và đối với mình, đó là những di sản quý giá mà tiền không thể mua được.

Bà đã không còn hiện diện trên trái đất này nhưng bà đã tìm được chốn bình yên. Bà không phải về nhà với mình nhưng bà lại luôn ở trong mình ❤





Nơi ở mới

31 05 2023

Vậy là mình đã chuyển đến ngôi nhà mới ở thị trấn mới được 6 tuần. Nhà mới cách nhà cũ 350km, là một thị trấn (town) nhỏ chỉ có khoảng 10,000 dân. Một sự thay đổi vô cùng lớn mà chính bản thân mình cũng không chắc mình sẽ cảm thấy thế nào.

Rời khỏi thủ đô Canberra nơi mình đã sống 14 năm vừa qua thật sự không dễ dàng. Vì mình rất thích Canberra – một thành phố nhỏ nhưng rất đẹp, thuận tiện trong công việc, trường học, đi lại, mua bán. Chưa kể đó là nơi mình có những người bạn, những người hàng xóm tốt bụng giúp đỡ mình mọi khía cạnh trong cuộc sống. Ông bà hàng xóm ở sau nhà là những người mình nhớ nhất vì họ đã giúp mình nuôi dạy con, đưa đón các con mình đến trường, tham dự những sự kiện quan trọng của các con – trong 7 năm. Thật sự hiếm và phải có duyên mới tìm được những người hàng xóm như vậy. Họ như những thành viên trong gia đình và luôn sẵn sàng giúp đỡ mình. Ngay cả việc chuyển nhà mình, ông bà hàng xóm rất rất buồn nhưng họ vẫn nhiệt tình giúp đỡ mình dọn đồ rồi cho mình ở nhờ nhà của ông bà những ngày cuối. Thật là khó khăn khi phải nói lời chia tay với những người đặc biệt như vậy.

Trường học của Lily – Beo – Macey cũng là một ngôi trường tuyệt vời. Trường nhỏ nên tất cả học sinh và các thầy cô đều biết nhau. Sáng nào cũng có 10 phút tập trung ở sân trường để phổ biến các hoạt động trong ngày và hát sinh nhật cho bạn nào có sinh nhật vào hôm đó. Rồi sau mỗi buổi học, tất cả các thầy cô đều đứng trước cổng trường 20 phút để trò chuyện cùng học sinh hay bố mẹ học sinh. Học sinh nào cũng cảm thấy được trân trọng và quan tâm. Thông qua trường mình cũng quen được với một số bố mẹ và khá thân thiết với họ. Phải chia tay trường mình rất buồn vì không dễ tìm được một ngôi trường tốt như vậy.

Rồi chia tay những viện bảo tàng nghệ thuật, bảo tàng khoa học, bảo tàng chân dung, những công viên, hồ nước tuyệt đẹp, rồi những lối đi xe đạp an toàn.

Rồi chia tay ngôi nhà nhỏ nhưng ngập tràn cây cối xanh mướt.

Nhưng tất cả cuối cùng cũng nhường chỗ cho một sự bắt đầu mới. Một sự bắt đầu tĩnh lặng hơn. Đầu tiên là việc làm ở nhà 100% thời gian của mình – rất may cơ quan mình tin tưởng và cho mình đem việc đến nơi ở mới, thậm chí còn thăng chức cho mình. Tiếp đến các con bắt đầu học ở trường học mới và thích nghi rất nhanh. Vì nhà mình ở trung tâm thị trấn nên mình đi lại hoàn toàn bằng xe đạp (ô tô nằm trong gara để cho những chuyến về Canberra). Mình cũng mua một chiếc máy làm kem nhỏ để làm các loại kem cho các con. Đây là một kỹ năng mình mới bắt đầu tập tành nhưng được các con rất hưởng ứng vì kem tươi ngon mà không ngọt. Nào là kem xoài, kem trà xanh, kem socola, kem chanh leo.

Và mình bắt đầu tiết kiệm tiền và học về cách nuôi ong để lấy mật – ước mơ từ lâu của mình đang dần thành hiện thực.

Thôi thì dù có bất kỳ sự thay đổi nào thì cuộc sống vẫn tiếp diễn. Có thể nhiều khi mọi việc diễn ra không như mong muốn hay không trong kế hoạch nhưng ta vẫn phải tiếp tục thích nghi, tiếp tục sống. Vì điều quan trọng nhất của cuộc sống là được sống.

Con chó nhà bạn mình mới đẻ bốn con. Mấy chị em Lily, Beo và Macey vô cùng thích thú, chơi cả ngày ở bên đấy cũng không chán
Có bác nông dân không thích nuôi gà trống (vì không đẻ được trứng) nên bác cho nhà mình và nhà chị Tâm 4 con để giết thịt. Thịt gà thơm ngon không khác gì gà ta!
Một bác nông dân chuyên bán thịt cừu cho những người quen. Nhà mình và nhà chị Tâm chung nhau một con cừu – $100 mỗi nhà, ăn thoải mái, rẻ ghê.
Beo và Lily vẽ tranh và làm chất dẻo (slime) để bán ở chợ địa phương (một tháng chợ họp một lần). Hai chị em đang cố gắng tiết kiệm để mua vé đi Morocco sang năm. Hai chị em có trải nghiệm bán hàng thú vị và đã lên kế hoạch bán tiếp vào tháng sau.
Lily vẽ tranh để bán. Macey với Beo thì làm slime

Cả nhà đi cắm trại cuối tuần ở một rừng quốc gia nổi tiếng: Warrumbungle. Đây là một trong những khu cắm trại để ngắm sao đẹp nhất nước Úc vì bầu trời buổi tối nhìn sao rất rõ. Những người cắm trại không được bật đèn sáng vì nó sẽ ảnh hưởng đến việc ngắm sao.

Nhóm bạn trẻ đi cắm trại. Bạn Macey nằng nặc đòi bố vào cùng thì mới chụp ảnh.
Lửa trại! Buổi tối lạnh ngắt, tầm 0 độ.
Đi thăm trại đà điểu – một trong những hoạt động trong đợt đi cắm trại

Sự nghiệp làm kem của mình. Kem xoài 🙂





Giải thưởng của Beo: Aussie of the Month

29 04 2023

Đầu tháng 3 bố mẹ nhận được email của cô hiệu phó trường Beo báo tin Beo đã được bầu chọn là “Người Úc của tháng” (Aussie of the Month). Gọi là người Úc của tháng nhưng Beo là người đầu tiên được nhận giải này từ đầu năm đến nay (đến thời điểm này cả trường mới chỉ có khoảng 3-4 bạn được giải). Cô hiệu phó nói đây là một điều rất đáng tự hào và bố mẹ nên đến dự lễ trao giải vào cuối tháng 3. Cô cũng dặn là nên giữ bí mật với Beo. Mẹ mời ông bà hàng xóm đến dự cùng nhưng tất cả đều tuyệt nhiên không tiết lộ một tí thông tin nào cho Beo.

Giải thưởng này là do các thầy cô trong trường đề cử để chọn ra một học sinh có sự trưởng nhất định trong sự phát triển tư cách đạo đức, hành vi và ứng xử. Đây không phải là giải thưởng về thành tích học tập xuất sắc hay thể thao hoặc âm nhạc.

Thực ra lúc nhận được email thông báo, mẹ rất vui và tự hào nhưng không quá ngạc nhiên. Mẹ không biết chính xác lý do Beo được nhận giải là gì nhưng mẹ biết Beo đang đi đúng hướng trên con đường trở thành người lương thiện và đang hình thành những phẩm chất tốt đẹp. Beo cũng bắt đầu bộc lộ sự sâu sắc trong suy nghĩ và dần hiểu được sự phức tạp của các vấn đề xã hội.

Ngày nào đón Beo ở trường học về là Beo cũng kể cho mẹ nghe những câu chuyện ở trường và cách Beo ứng xử với các bạn. Ví dụ, ở giờ ra chơi, Beo hay đá bóng với các bạn. Có một bạn gái tên là Sophia hay chơi xấu và đối xử không tốt với một bạn trai tên là Daniel. Daniel đã rất buồn và một vài lần phải chạy vào toilet khóc. Một hôm Daniel buồn quá, sau giờ ra chơi bạn ấy không muốn vào lớp mà ngồi trên một cái ghế sofa của trường. Không thấy Daniel trong lớp nên Beo chạy đi tìm Daniel và sau khi tìm được bạn thì ngồi cạnh bạn. Daniel ngạc nhiên lắm và nói “why are you here? No one is even looking for me?” (sao cậu lại ở đây? không ai thèm đi tìm tớ). Beo liền bảo Daniel “I came here to find you” (tớ đến đây để tìm cậu). Daniel nghe thấy thế thì xúc động lắm và đi theo Beo vào lớp.

Sau đó cô giáo có hỏi Sophia là có phải Sophia làm đau và làm cho Daniel buồn không? Nhưng Sophia chối ngay. Hết buổi học hôm đó, Beo xin phép nói chuyện riêng với cô giáo Mrs Luchetti vì Beo không thể chịu được khi Sophia không những đã nhiều lần làm Daniel mà còn nói dối. Beo nói với cô là Sophia hôm nay đã làm đau Daniel khi chơi đá bóng và đã làm Daniel khóc mấy lần. Cô giáo nói cô cám ơn Beo đã cho cô biết những thông tin này và cũng khen Beo rất dũng cảm khi biết đứng lên bảo vệ bạn. Mặc dù được cô khen như vậy nhưng trong lòng Beo rối bời. Buổi chiều mẹ đón Beo ở trường học, mặt Beo đầy suy tư và kể lại câu chuyện cho mẹ nghe. Đồng thời Beo cũng hỏi mẹ “I know I did the right thing but both Sophia and Daniel are my friends and I don’t know if Sophia will still be my friend if she knew I told her to the teacher?” Qua những câu hỏi như thế này có thể thấy Beo dần hiểu ra sự phức tạp và nhiều khía cạnh của một vấn đề. Nhiều thứ tưởng như đơn giản (ví dụ như quan sát cảm xúc của những người xung quanh rồi đứng lên bảo vệ những người yếu thế) nhưng có thể có những hậu quả hay lệ lụy không mong muốn. Như vậy thì nên chọn làm gì: im lặng hay nói ra suy nghĩ của mình? Đây là vấn đề mà người lớn cũng thường gặp và không có câu trả lời chung mà phụ thuộc vào từng tình huống và quan điểm của mỗi cá nhân.

Rồi Beo cũng nói cho mẹ là theo quan sát của Beo, mỗi khi có một bạn gái bị đau thì mọi người xúm vào hỏi thăm rồi giúp đỡ nhưng khi một bạn trai bị đau thì ít người hỏi han và để mặc bạn tự xử lý. Beo cảm thấy có sự bất công trong đối xử với các bạn nam. Beo cũng nói chính vì thế mà trường học mời một tổ chức gọi là Menslink để đến nói chuyện với các bạn trai trong trường vì con trai/đàn ông thường hay giấu cảm xúc của mình, cho rằng im lặng mới là dũng cảm, là đàn ông. Điều này rất khác với con gái là thường nói chuyện và chia sẻ cảm xúc với những người bạn gái khác. Chính vì thế tổ chức Menslink mới đến chia sẻ và khuyến khích các bạn nam dám bộc lộ cảm xúc của mình và chia sẻ vơi những người xung quanh. Nếu họ làm như vậy thì cảm xúc không bị dồn nén và gây ra những đau buồn cho những người xung quanh như gia đình và bạn bè.

Beo cũng thường xuyên quan tâm đến những người hàng xóm xung quanh, luôn hỏi thăm và nói chuyện với họ mỗi khi họ buồn hay không khỏe. Những điều này mẹ không bảo Beo làm mà Beo tự quan sát những việc bố mẹ làm rồi làm theo một cách tự nhiên.

Thực sự mẹ rất tự hào về cô bé 10 tuổi của mẹ. Một mặt thì Beo rất sâu sắc, chín chắn nhưng một mặt thì Beo vẫn rất trẻ con. Beo vẫn thích được bố mẹ ôm ấp, vỗ về. Mới cách đây mấy hôm, khi thấy mẹ nằm với Macey trên giường, Beo bảo mẹ “Mummy, do you know I’m still a baby too? For another 8 years. So you need to lie with me too“. Ý Beo là Beo vẫn là em bé đến năm Beo 18 tuổi hihi.

Có thể Beo chưa biết điều này nhưng Beo sẽ mãi mãi là em bé của mẹ – cho đến hơi thở cuối cùng của mẹ.

Cô giáo chủ nhiệm của Beo, Mrs Angela Luchettii, đọc lý do Beo được nhận giải Aussie of the Month
Annabel và cô hiệu trưởng Mrs Lina Vigliotta
Beo và huy hiệu Aussie of the Month